10+ tiêu chí lựa chọn địa điểm kinh doanh cửa hàng tiện lợi hiệu quả

Bên cạnh vốn, nguồn hàng… thì lựa chọn mặt bằng kinh doanh là một trong các vấn đề quan trọng đối với người mới bắt đầu. Vì vậy, để có một ví trí “đắc địa” không đơn thuần là chọn một mặt bằng là xong, bởi nó còn cần rất nhiều yếu tố cần thiết khác hơn bạn nghĩ.

Vậy đó là những yếu tố nào? Hãy cùng Ruby tìm hiểu ngay 10+ tiêu chí lựa chọn địa điểm kinh doanh cửa hàng tiện lợi hiệu quả trong bài viết dưới đây nhé!

1. Tại sao cần lựa chọn địa điểm kinh doanh?

Mặt bằng kinh doanh bán lẻ quyết định 70% thành công đối với mô hình tập trung phục vụ lưu lượng khách mỗi ngày qua kênh bán hàng trực tiếp (không qua kênh online hay showroom/cửa hàng flagship). Và cửa hàng tiện lợi (của bạn) chính là một mô hình như vậy.

Nói cách khác, việc thuê cửa hàng giống như mua lưu lượng khách qua khu vực đó. Giả sử mỗi 100 người đi qua sẽ có 1 người mua hàng, vậy nếu mặt bằng của bạn có 10000 người đi qua thì mỗi ngày bạn sẽ có trung bình 100 khách hàng. Đó chính là lý do tại sao mặt bằng kinh doanh lại quan trọng đến thế. Việc tìm được mặt bằng đẹp là một quá trình dài, đòi hỏi bạn cần bỏ khá nhiều thời gian, công sức, trải nghiệm và cả kỹ năng.

tiêu chí lựa chọn địa điểm kinh doanh cửa hàng
Tại sao cần lựa chọn địa điểm kinh doanh?

Dựa vào kinh nghiệm 7 năm thực chiến của mình, Ruby có thể chia sẻ cho bạn vài tiêu chí lựa chọn địa điểm kinh doanh cửa hàng tiện lợi hiệu quả như sau.

2. Tiêu chí lựa chọn địa điểm kinh doanh cửa hàng

2.1. Cách xa chợ truyền thống và siêu thị lớn

Thói quen mua sắm của người dân Việt hiện nay vẫn phụ thuộc rất lớn vào chợ truyền thống. Tuy nhiên, ở một số khu chung cư có dân số sinh sống đông đúc, cách xa trung tâm, các siêu thị lớn và không có nhu cầu đi chợ thì việc mua hàng ở các cửa hàng tiện lợị hay siêu thị mini là cực kỳ phổ biến và phù hợp.

Chính vì thế, cửa hàng tiện lợi không chỉ khắc phục những hạn chế của mô hình thời xưa, mà còn mang đến nhiều ưu điểm hấp dẫn như có các sản phẩm thiết yếu, chất lượng tốt, được trưng bày thu hút và dễ dàng tìm kiếm. Đặc biệt, với tính chất hoạt động 24h/7, cửa hàng tiện lợi sẽ mang đến sự tiện lợi cho khách hàng trong mọi thời điểm, đáp ứng mọi nhu cầu.

tiêu chí lựa chọn địa điểm kinh doanh cửa hàng
Tiêu chí lựa chọn địa điểm kinh doanh cửa hàng – Cách xa chợ truyền thống và siêu thị lớn

2.2. Tập trung khu vực có đông dân cư

Như Ruby đã chia sẻ ở trên, việc lựa chọn địa điểm như mua lưu lượng khách qua lại. Cho nên, nơi nào tập trung đông dân cư thì nơi đó là một địa điểm tiềm năng để “chọn mặt gửi vàng”.

Đặc biệt, với mô hình kinh doanh cửa hàng tiện lợi thì cực phù hợp với đối tượng người trẻ. Bởi cuộc sống của thế hệ này thường không có nhiều thời gian để dậy sớm đi chợ hay la cà lâu trong các siêu thị lớn. Mà họ chỉ cần mua vài mặt hàng thiết yếu một cách nhanh chóng nên cửa hàng tiện lợi sẽ là lựa chọn hàng đầu. Do đó, chọn cửa hàng ở các vị trí nằm xen kẽ ở các khu dân cư, tòa nhà văn phòng, trường học, bệnh viện hay khu vui chơi giải trí… là một yếu tố lý tưởng để mở cửa hàng tiện lợi.

Ngoài ra, nếu là cửa hàng đầu tiên, Ruby khuyên bạn nên chọn khu vực gần nơi bạn ở vì khi mới vận hành, cửa hàng sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề khiến bạn phải có mặt thường xuyên.

tiêu chí lựa chọn địa điểm kinh doanh cửa hàng
Tập trung khu vực có đông dân cư

2.3. Diện tích cửa hàng hợp lý

Nếu chọn mặt bằng kinh doanh mà không đủ diện tích, và dù giá thuê có rẻ đến đâu thì Ruby cũng đành chịu. Vì mô hình này cần có không gian rộng rãi để trưng bày sản phẩm.

Hơn nữa, lựa chọn chiều ngang mặt bằng sẽ quyết định độ lớn của bảng hiệu. Từ đó cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới mức độ nhận diện và niềm tin của khách hàng. Và một mặt bằng bán lẻ rộng và ngắn thì tốt hơn là hẹp và dài, dù cả hai đều có cùng diện tích. Vì thế, tùy thuộc vào chi phí ban đầu mà bạn nên đưa ra bộ tiêu chuẩn cụ thể cho mô hình của bạn. Ví dụ: Mặt tiền 3,5m trở lên, diện tích tối thiểu trên 30m2, không chung chủ, có nhà vệ sinh…

2.4 Khảo sát thị trường và đối thủ cạnh tranh

Cho dù ngày nay, chỉ cần lên mạng gõ vài dòng tìm nhà, Google hoặc mạng xã hội sẽ trả cho bạn hàng trăm kết quả, nhưng theo kinh nghiệm của mình, Ruby khuyên bạn nên đi xem trực tiếp trong nhiều ngày, thậm chí là kiên trì trong vòng nhiều tháng.

Ví dụ: Để thuê được mặt bằng cửa hàng S Mart ở đường Hàng Bông hiện tại, Ruby có lẽ đã đi qua phố này cả trăm ngày. Cho đến đúng hôm nhìn thấy biển
cho thuê, mình lập tức liên hệ và chốt luôn với chủ nhà chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Một cửa hàng tiện lợi trên tuyến phố đi thẳng ra bờ hồ Hoàn Kiếm, xung quanh là 3 khách sạn 4 sao – một trong số đó có đến 90 phòng.

Khảo sát thị trường và đối thủ cạnh tranh

Vì ngồi trên mạng không bao giờ tìm ra mặt bằng đẹp như thế đâu các bạn. Ngoài ra, việc đi khảo sát và làm việc trực tiếp với chủ nhà sẽ giúp bạn tiết kiệm được chi phí môi giới và có cơ hội thương thảo nhiều điều khoản hơn, xác nhận đầy đủ thông tin và giảm bớt rủi ro. Lợi bất cập hại chưa?

Đồng thời, việc khảo sát thị trường khu vực bạn muốn mở cửa hàng sẽ giúp bạn nắm bắt được tình hình kinh tế chỗ đó có khả thi không, đối thủ cạnh tranh gần đó bán hàng thế nào. Nếu ở khu vực bạn muốn mở đã có nhiều cửa hàng tạp hóa hay các cửa hàng tiện lợi thì bạn cần xem xét lại việc có nên mở ở nơi đó chứ. Và nếu có nhiều đối thủ cạnh tranh thì bạn cần tham khảo giá cả hàng hóa mà họ đang bán để xây dựng nên mức giá tối ưu với cửa hàng của chính mình.

2.5 Sự thuận tiện của mặt bằng kinh doanh

Thông thường, khách hàng mua đồ tại cửa hàng đều muốn càng nhanh càng tốt. Vì thế, mặt bằng bán lẻ của bạn cần ở vị trí thuận tiện, dễ quan sát, dễ dừng và đỗ xe. Vì thực tế, ngoài cư dân vùng lân cận thì có không ít là khách tiện đường ghé qua nên mặt tiền không thuận lợi sẽ khiến người mua hàng ngại vào hoặc không yên tâm khi mua hàng.

Ngược lại, mặt bằng dễ nhìn thấy từ xa sẽ dễ gây chú ý cho người đi đường. Vậy nên, đừng chọn mặt bằng nằm ở một vị trí khuất hoặc trên một tuyến phố có quá nhiều hàng quán vì bạn rất khó làm cho cửa hàng của mình trở nên nổi bật. Đổi lại, nếu lựa chọn một vị trí có ít người lưu thông hơn, nhưng cửa hàng lại nổi bật, ít bị che chắn hoặc ít hàng quán bên cạnh thì vẫn tốt hơn nhiều.

Sự thuận tiện của mặt bằng kinh doanh

Tiêu chí này liên quan tới một số yếu tố như:

  • Tốc độ lưu thông trên đường nhanh hay chậm;
  • Khi muốn tấp xe vào lề, khách hàng có vào cửa hàng của bạn dễ dàng không?
  • Nếu khách hàng đi xe gắn máy, vỉa hè có thuận tiện để lái xe lên chứ?
  • Sau khi đã dành chỗ cho xe của nhân viê thì phía trước còn bao nhiêu chỗ để xe cho khách hàng?
  • Nếu khách đi xe ôtô thì đường có biển cấm dừng đỗ?

Với hàng tá những vấn đề kể trên thì chắc bạn cũng nhận thấy được tầm quan trọng của việc lựa chọn vị trí mặt bằng kinh doanh sao cho thuận tiện nhất rồi phải không?

2.6 Xem phong thủy khi lựa chọn mặt bằng

Bạn cần tránh các mặt bằng chính Tây có nắng chiếu trực tiếp vào buổi chiều. Bởi nó có thể khiến hàng hóa hư hỏng nhanh chóng và cửa hàng thì lúc nào cũng nóng hừng hừng khiến khách hàng nản lòng ghé qua. Chưa kể nếu có sử dụng điều hòa thì cửa hàng của bạn cũng ngốn cả đống tiền tiền điện hàng tháng nữa đấy.

Có thể nói, xem phong thủy khi lựa chọn mặt bằng là một trong các yếu tố cực kỳ quan trọng với người kinh doanh, đặc biệt là người Đông Á. Vì thế, bạn cần xác định rõ từ đầu là mặt bằng hướng nào thì sẽ phù hợp với phong thủy của mình nhé.

2.7 Giá thuê mặt bằng

Khi khảo sát thị trường và lập ra kế hoạch kinh doanh bạn đã dự đoán mức doanh thu và chi phí hoạt động của cửa hàng, trong đó, chi phí mặt bằng cũng đã có một mức dự trù nhất định. Giờ bạn có thể mở rộng ngân sách thuê thành một khoảng phí với cận trên và cận dưới.

Xem xét giá thuê mặt bằng

Một mặt bằng giá cao hơn mức dự trù trên dự toán chưa hẳn không tốt. Vì biết đâu nó lại là cơ hội để bạn có được nhiều khách hàng hơn. Nhưng tuyệt đối đừng ham mặt bằng quá rẻ, bởi các cụ thường nói “của rẻ là của ôi”. Vì thế, khi đã có hạn mức rõ ràng thì bạn nên kiên quyết nói không với những mặt bằng vượt quá ngân sách.

2.8 Thời hạn thuê

Thời hạn thuê hợp lý nhất thường là khoảng 2-3 năm. Thời hạn thuê càng dài thì càng có lợi cho bạn. Trừ khi chủ mặt bằng yêu cầu cọc nhiều hơn để đổi lấy thời hạn thuê dài hơn. Trong trường hợp đó, bạn cần cân nhắc và thương lượng với chủ nhà để có được thỏa thuận tối ưu nhé.

2.9 Hiện trạng mặt bằng kinh doanh

Giá thuê mặt bằng sẽ phụ thuộc vào tình trạng của nó. Nếu mặt bằng có nhà sẵn thì giá thuê sẽ cao hơn, nhưng bạn sẽ tiết kiệm công sức và tiền bạc trong việc xây dựng. Ngược lại, nếu bạn chọn thuê đất trống thì giá sẽ rẻ hơn, nhưng bạn sẽ phải đầu tư một khoản tiền ban đầu để xây dựng từ đầu. Ruby khuyên rằng, trừ khi bạn có kinh nghiệm đáng kể trong ngành bán lẻ, nên bắt đầu với một mặt bằng đã có sẵn với đầy đủ tiện nghi.

Bởi vì khi bắt đầu kinh doanh, rủi ro luôn là điều không tránh khỏi. Một cách đơn giản để giảm thiểu rủi ro là tìm một mặt bằng đã được đầu tư sẵn. Như vậy, bạn không cần phải lo lắng về việc xây dựng từ đầu, vừa tiết kiệm thời gian và tiền bạc.

tiêu chí lựa chọn địa điểm kinh doanh cửa hàng
Hiện trạng mặt bằng kinh doanh

Tuy nhiên, trước khi quyết định thuê mặt bằng, bạn nên cân nhắc kỹ chi phí sửa chữa. Một số căn nhà có thể đã bị hư hỏng hoặc không phù hợp với loại cửa hàng mà bạn muốn mở. Rủi ro xảy ra khi bạn thuê một nơi sau đó phát hiện ra cần phải sửa chữa hoặc thậm chí xây mới, khiến bạn tốn thêm nhiều tiền và công sức không cần thiết.

Vì vậy, bạn cần đảm bảo tính toán kỹ lưỡng và đánh giá mặt bằng trước khi đưa ra quyết định sẽ giúp bạn tránh những rủi ro không mong muốn và tập trung vào việc phát triển kinh doanh của mình một cách hiệu quả.

2.10 Thái độ của chủ nhà

Chọn mặt bằng kinh doanh không chỉ là việc xem xét các yếu tố cơ bản mà còn đòi hỏi sự quan tâm đến mức độ thiện chí của chủ nhà. Vì chủ nhà sẽ trở thành đối tác đồng hành trong suốt thời gian bạn kinh doanh. Dù có ký hợp đồng thuê với những điều khoản rõ ràng nhưng thực tế không phải lúc nào cũng đơn giản như vậy.

Do đó, nếu chủ nhà có ý định bán mảnh đất mà bạn đang thuê thì sẽ có thể gây rắc rối cho bạn kinh doanh sau này. Điều đó làm cho việc thiết lập các điều khoản bồi thường rõ ràng trở nên cực kỳ quan trọng. Với trường hợp có chủ nhà khó tính hoặc quá coi trọng tiền bạc, bạn cần thận trọng khi thỏa thuận các điều khoản trong hợp đồng, đặc biệt là về việc cải tạo mặt bằng và lộ trình tăng giá thuê.

Nếu có thể, bạn hãy cố gắng xây dựng mối quan hệ tốt với chủ nhà và làm cho họ cảm thấy hài lòng với bạn. Điều này không kém phần quan trọng so với việc ký kết hợp đồng. Một tips nhỏ của Ruby là bạn có thể thường xuyên hỏi thăm hoặc tặng vài món quà nhỏ để giúp xây dựng lòng tin và sự thiện chí đối với chủ nhà. Khi có mối quan hệ tốt, những vấn đề phát sinh cũng sẽ được giải quyết một cách nhẹ nhàng và thuận lợi hơn.

3. Kết luận

Trên đây là 10+ tiêu chí lựa chọn địa điểm kinh doanh cửa hàng tiện lợi của Ruby. Sau khi khảo sát mà chưa quyết định được thì bạn nên chọn ra 3 mặt bằng phù hợp dựa vào các tiêu chí nêu trên. Vận dụng những điều này sẽ giúp bạn chọn được mặt bằng ưng ý với giá tốt.

Ruby chúc bạn sẽ lựa chọn địa điểm kinh doanh bán lẻ ưng ý và nhớ theo dõi Ruby ở các bài viết sau nha!

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top